Nhà Sách Bạch Đằng Bà Rịa

Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

John Doe | 20/11/2023

Sự ra đời của "Ngày Nhà giáo Việt Nam" gắn liền với lịch sử của tổ chức Giáo giới tiến bộ trên thế giới.

Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7/1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (Pháp). Năm 1954 với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản "Hiến chương các Nhà giáo". Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là "Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo".

Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; theo đề nghị của Bộ GDĐT, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982, nêu rõ: hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh 2.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 20/11/1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam, khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam; Ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp GDĐT; Ngày cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng tri ân đối với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, vì những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp trồng người.

Thành quả trong phát triển đội ngũ giáo viên và đóng góp của nhà giáo

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chăm lo của các đoàn thể, tổ chức xã hội, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, sự phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sự nghiệp GDĐT nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước tiến bộ, trình độ nghề nghiệp của người lao động được nâng cao; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, từng bước phát triển về chất lượng. Đến nay, cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên đại học, cao đẳng với hơn 48.000 thạc sĩ, hơn 24.000 tiến sĩ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.

Hầu hết các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều khởi sắc và tiếp tục khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới, theo báo cáo "Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương" năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Hay trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh Việt Nam đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Các thế hệ nhà giáo Việt Nam bằng trí tuệ, tâm huyết, tình yêu nghề, yêu người và đức hi sinh, tận hiến đã âm thầm đóng góp quan trọng làm nên những thành tựu lớn lao đó.

GDĐT đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương. Đóng vai trò quyết định cho thành công của đổi mới chính là là đội ngũ nhà giáo. Dù ở nơi thuận lợi hay nơi khó khăn, dù đời sống còn nhiều vất vả, song điểm chung lớn nhất là các thầy cô đều nỗ lực, cố gắng không ngừng và sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới. Tâm thế này cùng với quá trình được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đã giúp các thầy cô tự tin trở thành nhân tố quan trọng của quá trình đổi mới.

 

 

Nguồn Bài Viết: Tác giả Đỗ Vi  báo suckhoedoisong.vn


Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: